Cuộc đời Uyển_Quý_phi

Đại Thanh tần phi

Uyển Quý phi vốn họ Trần, sinh ngày 20 tháng 12 (âm lịch) năm Khang Hi thứ 55 (1716), cha là Trần Đình Chương (陳廷章)[1]. Bà nhập phủ làm thiếp của Càn Long Đế khi ông còn là Bảo Thân vương, phân vị Cách cách. Dựa theo lệ thường, Trắc Phúc tấn nhập phủ, có đem theo 4 thị nữ theo hầu, duy Na Lạp thị nhập phủ năm ấy 3 người; bên cạnh đó ngoài Trần thị, các thiếp thất khác năm đó trong phủ đều có thị nữ theo hầu, nên có lẽ Trần thị là thị nữ đi theo Na Lạp thị vào phủ, sau được sủng hạnh mà thành Cách cách.

Khi Càn Long Đế tức vị, Trần thị sơ phong Thường tại[2][3]. Năm Càn Long thứ 2 (1737), khi chính thức đại phong hậu phi, Trần Thường tại thăng làm Quý nhân, trong hậu cung khi ấy thì Trần thị cùng Hải thị là hai người có phân vị kém nhất, và cả hai đều sống tại Diên Hi cung[4]. Năm thứ 13 (1748), tháng 7, sách lập Na Lạp thị làm Hoàng quý phi, Càn Long Đế ân thưởng hậu cung, tấn thăng Quý nhân Trần thị làm Tần, chọn 1 trong 3 chữ [Uyển; 婉], [Tốn; 巽] và [Dĩnh; 穎], cuối cùng là Uyển tần (婉嬪)[5][6][7], sang năm sau (1749) mới tiến hành lễ sách phong[8].

Năm Càn Long thứ 20 (1755), thọ thần của Uyển tần tròn 40 tuổi, theo ghi chép thì thọ thần của bà được thưởng 200 lượng bạc, mức này trên Quý nhân (150 lượng) và Thường tại (100 lượng) nhưng thấp hơn mức bình thường của Phi và Tần là 300 lượng. Cho đến 10 năm sau (1765), khi Uyển tần 50 tuổi đại thọ, Nội vụ phủ trình tấu nên nâng mức thưởng của Uyển tần, Càn Long Đế khôi phục lại đãi ngộ bình thường cho bà, cấp 300 lượng bạc cùng vật phẩm, khôi phục quy cách bình thường.

Tấn làm Phi

Năm Càn Long thứ 59 (1794), tháng 10, tấn thăng Uyển phi (婉妃), tháng 12 tiến hành lễ sách phong[9].

Năm Gia Khánh thứ 6 (1801), tháng giêng, bà được Gia Khánh Đế tấn thăng làm Quý phi. Dù vậy, Gia Khánh Đế vẫn thường tôn gọi bà là Uyển Quý Thái phi (婉貴太妃)[10]. Ngày 15 tháng 4 (âm lịch) cùng năm, mệnh Lễ Văn các Đại học sĩ Lưu Dung làm Chính sứ, Nội các Học sĩ Nạp Thanh Bảo (纳清保) làm Phó sứ, cầm Tiết, sách bảo chính thức cử hành lễ tấn phong Quý Thái phi[11].

Sách văn rằng:

翊坤仪而布化。德茂前徽。修壸教以延庥。年登大耋。式稽彝典。益阐芳声。皇考婉妃陈氏,禀则柔嘉。持躬肃慎。宵衣日侍。小心夙著于椒闱。宫翟申颁。恩眷久隆于星掖。树采珩之令范。群奉师宗。标彤管之徽音。宜崇位号。谨以册、宝、尊为皇考婉贵妃。于戏。舒长岁月。弥膺介祉以康宁。肃穆规型。洊受期龄之福履。谨言。

.

Dực khôn nghi nhi bố hóa. Đức mậu tiền huy. Tu khổn giáo dĩ duyên hưu. Niên đăng đại điệt. Thức kê di điển. Ích xiển phương thanh.

Hoàng khảo Uyển phi Trần thị, bẩm tắc nhu gia. Trì cung túc thận. Tiêu y nhật thị. Tiểu tâm túc trứ vu tiêu vi. Cung địch thân ban. Ân quyến cửu long vu tinh dịch. Thụ thải hành chi lệnh phạm. Quần phụng sư tông. Tiêu đồng quản chi huy âm. Nghi sùng vị hào. Cẩn dĩ sách, bảo, tôn vi Hoàng khảo Uyển Quý phi.

Vu hí! Thư trường tuế nguyệt. Di ưng giới chỉ dĩ khang ninh. Túc mục quy hình. Tiến thụ kỳ linh chi phúc lí. Cẩn ngôn.

— Sách văn Uyển Quý phi

Năm Gia Khánh thứ 12 (1807), ngày 2 tháng 2 (âm lịch), Uyển Quý Thái phi qua đời, hưởng thọ 90 tuổi. Bà là hậu phi của Càn Long Đế sống lâu nhất vì khi đó những người khác như Thục Gia Hoàng quý phi, Thuần Huệ Hoàng quý phi, Kế Hoàng hậu, Dĩnh Quý phi, Du Quý phi, Dung phi, ... đều đã qua đời, cũng là người có tư lịch lâu nhất, từ khi còn ở Tiềm để đến tận khi cả Càn Long Đế đã băng thệ. Gia Khánh Đế cũng đối với bà rất kính trọng, tôn gọi 「Uyển Quý thái phi Mẫu phi; 婉貴太妃母妃」, tang lễ của bà thì Gia Khánh Đế cũng đích thân tới tế rượu[12]. Ngày 3 tháng 11 (âm lịch) cùng năm, bà được an táng tại Phi viên tẩm của Dụ lăng.

Liên quan